Gamibook – viết tiếp câu chuyện về bộ phận “nhỏ bé”

Nhận được chỉ đạo viết giới thiệu về Gamibook trên website Gami với PTGĐ mà khất lần mãi. Không phải không muốn viết mà bởi biết bắt đầu ra sao với Gamibook đây. Có nhiều bạn sẽ hỏi Gamibook ah, nghe quen quá, nhưng ở đâu nhỉ? Xin thưa, ý tưởng Gamibook bắt nguồn từ CT mà ra cả. Cho tới nay, Gamibook đã in ấn, viết lách và làm được rất nhiều việc, nói theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ là PR của Tập đoàn.

Cuối năm 2003, Gami đánh dấu chặng đường phát triển 10 năm hoạt động, và cũng là lúc công việc của những BTV Gamibook phải ngồi lại đọc, biên tập, thiết kế để có được cuốn Gami 10 năm và Bản tin Nhịp sống số đầu tiên. Những bước đi đầu bao giờ cũng vất vả và khó khăn, mọi người lăn vào làm vì hăng say, nhiệt huyết chứ thú thực kinh nghiệm còn thiếu nhiều lắm. Thế mà sản phẩm cuối cùng cũng hiện diện đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Gami tròn 10 tuổi. Ý nghĩa và cảm động thực sự. ( Cái này là do tôi đọc trong sử ký Gami chứ lúc tôi vào thì đã xong xuôi cả rồi 🙂 )

Kể từ những ngày đầu tiên đó cho tới nay, nhân sự của Gamibook luôn thuộc diện ít ỏi nhất trong tập đoàn, thời điểm đông thì có 3 người, còn thường thường là có 1 người chịu trách nhiệm chính còn lại kiêm nhiệm. Thế nhưng những gì mà Gamibook làm được thì không hề nhỏ chút nào. Bạn thử xem nhé, Gamibook là bộ phận chịu trách nhiệm xuất bản Nhịp sống tháng, bản tin hàng tuần, hỗ trợ cung cấp nội dung thông tin lên website, biên tập và tổ chức in ấn tài liệu nội bộ…

Nhưng tất cả những việc đó thì chưa thể gọi là Gamibook đúng nghĩa. Sách và kinh doanh sách mới là mục tiêu chính của Gamibook. Công ước Berne xuất hiện khiến cho thị trường sách có chững lại đôi chút để tìm hướng đi, và Gamibook sau một thời gian tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh đã xuất hiện trở lại. Đầu năm 2007, sự trở lại của Gamibook được đánh dấu bằng việc xuất bản cuốn Tư duy chiến lược với 4000 bản in. Một con số vượt quá sự kỳ vọng của cả anh Dũng CT và tôi. Tiếp theo đó, Gamibook đẩy mạnh việc tái bản cuốn Lý thuyết trò chơi, Để cạnh tranh với người khổng lồ với hình thức và nội dung bắt mắt; biên dịch hàng loạt đầu sách mới sẽ cho xuất bản vào năm 2008.

Tham vọng được làm những việc bất khả thi. Vâng, đúng là vậy khi cuốn sách Văn hóa Việt Nam thường thức của Gamibook được xuất bản đầu năm 2005 sau rất nhiều lần trì hoãn tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Thành viên Ban biên soạn cũng có lúc gần chục người mà giờ chỉ còn sót lại có tôi. Vậy mà dự án tái bản sách Văn hóa Việt Nam thường thức đã chính thức được khởi động sau đó 1 năm. Công việc luôn đặt ra những thách thức mới, cuốn sách thực sự là cuộc thử sức đối với tôi.

Mọi dự định vẫn cứ chỉ là dự định nếu không có tầm nhìn xa hơn. Và giờ Gamibook chắc chỉ có mình tôi, nhưng xung quanh tôi luôn có đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ dịch giả đông đảo. Bạn bè đồng nghiệp ở Gami tuy làm những chuyên môn khác nhau nhưng cũng rất ủng hộ, và người đặc biệt ủng hộ cho hoạt động của Gamibook không ai khác chính là anh Dũng CT. Tôi phải cảm ơn anh vì điều đó. Cho dù hiện tại, Gamibook vẫn chỉ là bộ phận nhỏ bé, làm những việc ít người biết tới, nhưng nhìn những ấn phẩm hiện diện trang trọng là tôi đã thấy tự hào, pha lẫn chút vui mừng vì đó là công việc có ích.